Bật tăng sau 2 phiên giảm
Các nhà phân tích thị trường cho biết, khảo sát phiên giao dịch phiên sáng ngày 31/3, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 tăng 27 USD/tấn ở mức 2.152 USD/tấn, giao tháng 7/2022 tăng 25 USD/tấn ở mức 2.140 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 tăng 6,15 cent/lb, ở mức 221,85 cent/lb, giao tháng 7/2022 tăng 6,1 cent/lb ở mức 221,9 cent/lb.
Như vậy, sau 2 phiên giảm liên tiếp đầu tuần, giá cà phê Robusta lấy lại những gì đã mất khi tăng trở lại.
Giá cà phê Arabica tiếp tục có sự hỗ trợ từ tỷ giá đồng Reais mạnh lên, sau khi Brazil mạnh tay nâng lãi suất cơ bản. Điều này thu hút dòng vốn ngoại hối ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán Brazil. Các quỹ đầu cơ đã quay lại sàn New York để tăng mua nhờ tính khoản cao của sàn này, bất chấp dự báo mới nhất của Rabobank cho rằng sản lượng Brazil năm nay tăng tới 31,8% do là năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”.
Vào hôm thứ Ba (22/3), nông dân trồng cà phê từ tổ chức hợp tác cà phê Mutheka ở hạt Nyeri (Kenya) đã được hưởng lợi từ phân bón do chính phủ trợ cấp với giá gần một nửa, theo trang allAfrica. Hiện tại, đã có hơn 1.300 nông dân trong tổng số 4.000 nông dân tại đây nhận được phân bón trợ cấp, điều này hứa hẹn sẽ giúp sản lượng cà phê của họ tăng từ 800.000 kg lên hơn 3 triệu kg trong thời gian tới.
Trên thực tế, các trang trại tại đây có khả năng sản xuất 3 triệu kg cà phê, song tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào đã hạn chế mức sản lượng trong niên vụ vừa qua. Việc được Chính phủ hỗ trợ được cho là sẽ giúp họ cải thiện năng suất đáng kể.
Ngoài ra, vào tháng trước, Bộ Nông nghiệp Kenya đã đưa ra khoản trợ cấp phân bón trị giá 300 triệu USD nhằm phục hồi ngành cà phê ở các vùng trồng trọt trọng điểm.
Giá cà phê robusta trong nước vẫn có khả năng đứng vững trên 42 triệu - 43 triệu/tấn
Cùng chiều tăng với thị trường thế giới, giá cà phê trong nước hôm nay tăng 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.600 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 40.900 đồng/kg.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê trong nước có vẻ đang cố gắng kháng cự để giữ mức cao. Thật ra, đấy cũng là điều hợp lý vì nền giá hàng hóa thương phẩm đều tăng trên sàn thuộc các nhóm hàng năng lượng, kim loại và nhất là nông sản (ngũ cốc).
Cước tàu biển thời gian trước mắt và đường dài (trong vòng vài ba năm nữa) chưa chắc đã giảm dù khủng hoảng logistics có được giải quyết xong hay không. Nhiều hãng kinh doanh tàu biển cho biết đã trả tiền thuê tàu cao không chỉ riêng cho thời gian còn lại trong năm nay mà còn đến 2025! Như vậy, giá cước tàu rất có thể còn được cấy vào giá hàng hóa thương phẩm. Vấn đề là làm sao giữ được giá nguyên liệu tại các nước sản xuất để bảo đảm sinh kế của nhà nông. Đó không chỉ là công việc của nhà nông mà còn phụ thuộc vào cách tổ chức thị trường, nên rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành nghề.
Các chuyên gia khuyến cáo, trước mắt, thị trường cà phê robusta chuẩn bị tiếp nhận những đợt cung ứng lớn từ hai nước Brazil và Indonesia, xếp vị trí thứ hai và ba sau Việt Nam. Cho nên, dù nền giá hàng hóa tăng, rủi ro giá mặt hàng cà phê robusta vẫn có đường xuống. Tuy vậy, cũng đừng nên lo lắng quá nhiều để đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước.
Dự kiến, giá cà phê robusta trong nước vẫn có khả năng đứng vững trên 42 triệu cho đến 43 triệu/tấn, thậm chí có lúc vượt mức cao này nếu có tin ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến 15/3, cả nước xuất khẩu 452.163 tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu tăng hơn 22%, đặc biệt kim ngạch tăng trưởng đến 54,44%. Kim ngạch tăng trưởng cao hơn sản lượng nên trị giá xuất khẩu bình quân nhóm hàng cà phê cũng tăng cao lên mức 2.237 USD/tấn. Hiện cà phê đã vượt qua nhóm hàng rau quả để đứng thứ 3 về quy mô kim ngạch trong lĩnh vực nông nghiệp (sau nhóm hàng gỗ; thủy sản). Đây cũng là 3 nhóm hàng cán mốc “tỷ đô” của lĩnh vực nông nghiệp tính từ đầu năm đến 15/3. |