Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến
Bảng giá phân bón
Thống kê truy cập
Đang truy cập 1
Tổng truy cập 280848
Liên kết website:
Fanpage facebook
Tin tức
Kho sản phẩm của PVFCCo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN |
Tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều nước khó khăn, cộng thêm giá nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển đều tăng kỷ lục khiến giá phân bón trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục lập các mốc tăng mới.
Vì vậy, trong tương lai gần, theo quy luật thị trường chung, giá phân bón tại Việt Nam sẽ bám sát đà tăng của thế giới.
Giá đạm ure tháng 7 dự báo tiếp tục tăng
Theo các bản tin của Argus và Fertecon (các Công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), trong tuần (18-24/6) nguồn cung ure trên toàn thế giới tiếp tục khan hiếm khiến giá loại phân bón này tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá ure tại cửa khẩu bên bán (giá FOB) ở Biển Đen đã tăng lên mức 420 - 435 USD/tấn – mức cao nhất từ năm 2013 đến nay; giá FOB tại Trung Quốc là 435-445 USD/tấn; tại Trung Đông là 450-460 USD/tấn. Công ty PIH (Indonesia) vừa chốt lô hàng cho Koch với giá là 458 USD/tấn và thông tin gần nhất là gói thầu ngày 24/6 của Ấn Độ cho lô hàng hơn 1 triệu tấn ure có giá chào thấp nhất lên đến 505 USD/tấn CFR (vận chuyển bằng đường biển).
Bên cạnh đó, trong tháng 7 tới, nguồn cung từ các nước sản xuất ure lớn tiếp tục giảm do nhiều nhà máy tiến hành bảo dưỡng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc dừng việc chào giá khiến giá ure dự báo tiếp tục bị đẩy lên cao. Thậm chí, trên thế giới các đơn hàng tháng 8 đang được chào với giá 470-480 USD/tấn FOB.
Cùng xu hướng tăng như đạm ure, giá phân kali thế giới tháng 5 tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và một số biến động địa chính trị, một số nhà phân phối lớn đã ngưng việc chào giá.
Theo đó, việc EU dự kiến áp lệnh trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Belarus khiến giá mặt hàng này leo thang, việc giao các đơn hàng kali cũng không được đảm bảo.
Tại Đông Nam Á, giá chào mua là 400 USD/tấn CFR cho hàng bột tiêu chuẩn (standard mop), tại Tây Bắc Châu Âu tăng lên mức 430-450 USD/tấn CFR; Brazil 500-550 USD/tấn CFR.
Đặc biệt, phosphate là mặt hàng phân bón tăng mạnh nhất trong những tháng qua và nỗi sợ về việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu cùng nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ đã làm giá phân bón DAP ở nước này tiếp tục vẫn tiếp tục ở mức 590 USD/tấn CFR.
Giá phân bón MAP tại thị trường Brazil ngày 27/6 ở mức 753-758 USD/tấn CFR. Dự báo giá phosphate sẽ tiếp tục tăng tại một số thị trường như DAP Trung Quốc đã chào giá các lô hàng trong tháng DAP trong tháng 7 với giá cao hơn tháng 6 và nhiều nhà cung cấp tạm thời chưa chào giá hàng giao tháng 8.
Ngày 27/6, giá NPK 15-15-15 Baltic/Biển Đen ở mức 370- 445 USD/tấn FOB, Ma Rốc 415-430 USD/tấn; NPK 16-16-16 Baltic/Biển Đen 370-455 USD/tấn FOB. Các mức giá này đều tăng so với 1-2 tuần trước.
Một số nhà sản xuất thậm chí dừng bán hàng để theo dõi động thái thị trường hoặc bán nguyên liệu tồn kho để chốt lợi nhuận thay vì sản xuất NPK. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu chững lại, áp lực tăng giá của phân bón NPK trong tháng 7 tiếp tục gia tăng.
Như vậy, nhìn toàn cảnh từ nhu cầu tăng cao đến các yếu tố đầu vào sản xuất, vận chuyển thì giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 7 vẫn tiếp tục tăng nóng và thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay.
Vì vậy, theo quy luật thị trường chung, giá phân bón tại Việt Nam sẽ bám theo đà tăng của giá thế giới.
Doanh nghiệp phân bón ưu tiên thị trường trong nước
Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: BNEWS/TTXVN |
Theo đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM), để đảm bảo nguồn cung phân bón chất lượng cao ra thị trường, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng sốt giá, PVFCCo đang tập trung nguồn lực vận hành ổn định các xưởng sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Bên cạnh đó, giải pháp tiết giảm chi phí, nhất là chi phí gián tiếp cũng như tạm dừng triển khai các hạng mục chưa cần thiết sẽ tiếp tục được PVFCCo tập trung triển khai quyết liệt để bảo đảm giá thành sản xuất tối ưu.
Cùng đó, PVFCCo tiếp tục thu thập thông tin thị trường, phân tích và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động các kịch bản và giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp.
Đại diện PVFCCo cho biết, trong 6 tháng qua, do giá phân bón tăng và nguồn cung ure khan hiếm, Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy bảo dưỡng tổng thể 31 ngày nên doanh nghiệp đã hạn chế xuất khẩu và ký kết các hợp đồng xuất khẩu nhằm tập trung nguồn hàng bán ở trong nước.
Trước tình hình dịch COVID-19 với biến thể mới tái bùng phát trở lại, thực hiện đúng theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVFCCo đã nhanh chóng có các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch trong Nhà máy, Văn phòng Tổng Công ty và các đơn vị thành viên, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục.
Nhờ vậy, sản lượng sản xuất đạm ure Phú Mỹ đạt 337.357 tấn, hoàn toàn bộ kế hoạch 6 tháng đầu năm; NPK Phú Mỹ đạt 74.329 tấn, vượt 2% kế hoạch 6 tháng đề ra.
Trong 6 tháng qua, PVFCCo đã cung ứng ra thị trường trong nước khoảng 560.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại; riêng phân đạm ure ước đạt 378 nghìn tấn.
Tương tự như vậy, đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí (PVCFC, HoSE: DCM), cũng cho biết, ngay từ quý I/2021, nhận định nhu cầu phân bón trong nước tăng cao hơn cùng kỳ, Công ty đã dừng và giảm mục tiêu xuất khẩu để tập trung tối đa cho tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống. Với các thị trường đã xác lập đối tác như: Ấn Độ, Srilanka, Philippine, Bangladesh, Myamar, PVCFC đã tạm dừng không chào bán.
Hết 5 tháng đầu năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với mức công suất trung bình vượt 5%, đạt mức sản lượng ure quy đổi hơn 380 nghìn tấn và đã cung ứng toàn bộ ra thị trường. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bà con nông dân, công ty đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường gần 70 nghìn tấn các sản phẩm khác như NPK, kali.
Kho sản phẩm của PVCFC. Ảnh: BNEWS/TTXVN |
Theo đại diện PVCFC, thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long được xác định là thị trường mục tiêu số 1 của Công ty nên việc ưu tiên phân phối các sản phẩm tại khu vực để đáp ứng nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân vừa là mực tiêu, vừa là trách nhiệm của công ty.
5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ các loại phân bón tại khu vực đạt 260 nghìn tấn, tăng 14% so với kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản phẩm ure và các sản phẩm gốc ure do công ty sản xuất chiếm 210 nghìn tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Lãnh đạo Công ty cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, dừng các hoạt động xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung đầy đủ, chất lượng, nhanh chóng đến bà con, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.
Các bài viết khác
- THÔNG BÁO NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 02-09-2024 (August 17, 2024 at 03:16 pm)
- THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN - GIÁP THÌN - 2024 (January 27, 2024 at 02:46 pm)
- THÔNG BÁO NGHỈ TẾT DƯƠNG LỊCH 2024 (December 28, 2023 at 04:00 pm)
- Giá phân bón tăng mạnh sau lệnh dừng xuất của Trung Quốc (September 26, 2023 at 03:10 pm)
- LỊCH NGHỈ LỄ - QUỐC KHÁNH 2/9 (August 30, 2023 at 05:17 pm)
- Giá cà phê ngày 31/5: Giá cà phê trong nước ở mức 61.100 đồng/kg (May 31, 2023 at 09:04 am)