Cà phê liên tục rớt giá
Trưa ngày 12/9, trên trang thông tin của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cho thấy, các mặt hàng nông sản cà phê, hồ tiêu đang có dấu hiệu đi xuống.
Theo ghi nhận, giá cà phê tại một số tỉnh thành hôm nay tiếp tục giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, dao động trong khoảng 31.900 – 32.400 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) liên tục trong các ngày 10 - 12/9 giảm 300 đồng/kg, nhưng hôm nay thì giữ nguyên giá ở mức 31.900 đồng/kg. Giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà thấp hơn, với mức 31.700 - 31.800 đồng/kg.
Tại khu vực huyện Cư M'gar, Ea H'leo (Đắk Lắk) từ đầu tuần đến nay giảm khoảng 300 - 500 đồng/kg, cụ thể trong phiên giao dịch của hai ngày trước giảm 300 đồng, hôm nay giảm 100 - 200 đồng/kg, dao động trong khoảng 32.200 – 32.300 đồng/kg. Giá cà phê tại huyện Buôn Hồ ở mức 32.100 đồng/kg.
Khu vực tỉnh Gia Lai và Đắk Nông tiếp tục chuỗi ngày giảm giá, tại hai tỉnh này cà phê được thu mua ở mức 32.300 - 32.400 đồng, trong ngày hôm nay mặt hàng này giảm nhẹ 100 đồng/kg. Còn tại Kon Tum, cà phê hiện đang có giá 32.2000 đồng/kg.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đang giảm. Giá cà phê robusta kỳ hạn tại London giảm, với giá hợp đồng giao tháng 9 giảm 14 USD (giảm 0,94%) đứng ở mức 1.478 USD/tấn. Trong khi tại New York, mức giảm 0,79% đứng ở mức 100.45 cent/lb.
Giá cà phê vẫn tiếp tục biến động và có chiều hướng đi xuống
Bộ Công Thương cho biết, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 6/2018 đạt 1.898 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 5/2018 và giảm 15,9% so với tháng 6/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Tại thị trường Đông Nam Á, thương mại cà phê robusta tiếp tục trầm lắng khi phần lớn giới thương nhân chờ đợi diễn biến mới trên sàn London và nhất là gần như Việt Nam đã cạn hàng trong khi nông dân Indonesia yêu cầu mức giá cạnh tranh hơn.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, hiện tại thị trường trong nước giá cà phê sụt giảm, những nguyên nhân làm cho giá cà phê nhân giảm mạnh là do các nông hộ đầu tư mở rộng diện tích cà phê một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, kế hoạch làm cho nguồn cung dồi dào, trong khi đó nhu cầu không tăng, trên thị trường thế giới các nước khác cũng đang phải vất vả vì cà phê tồn đọng.
Hồ tiêu “ngụp lặn” dưới đáy
Giá hồ tiêu trên toàn quốc vẫn tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm, nằm ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg. Không những giảm giá, tại nhiều tỉnh thành loại cây nông sản này đang mắc bệnh dịch và chết hàng loạt khiến người dân khổ sở.
Theo đó, tại Gia Lai, hồ tiêu đang được mua với giá 48.500 đồng/kg. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai giá giữ nguyên quanh mức 48.000 – 49.000 đồng/kg. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là vùng nguyên liệu có giá thu mua đạt mức cao nhất 50.000 đồng/kg.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 8 tháng đầu năm đạt gần 3.330 USD/tấn, giảm tới gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ này nhận định, hồ tiêu liên tục giảm giá và xuất khẩu yếu là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Số liệu mới nhất cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt 20.000 tấn, với giá trị 58 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu hồ tiêu 8 tháng đạt 173.000 tấn với 576 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ (với hơn 99 triệu USD, chiếm trên 19%), Ấn Độ (với hơn 43 triệu USD, chiếm trên 8%), Pakistan (với hơn 25 triệu USD, chiếm gần 5%), Đức (với 20,5 triệu USD, chiếm 4%) và Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (với 20 triệu USD, chiếm gần 4%). Khối lượng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh trong khi giá trị thì giảm.
Trong khi giá hồ tiêu liên tục giảm thì cây nông sản này tiếp tục gặp dịch bệnh, khiến người nông dân lo lắng
Trong nước, giá thu mua hồ tiêu đen cuối tháng 8/2018 dao động ở mức từ 47.000-48.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm từ 4.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Tại mức giá này, có thể nhiều hộ nông dân đã không còn lãi, thậm chí là bị lỗ.
Ngoài việc giá mặt hàng nông sản này liên tục đi xuống, trong nhiều ngày qua, nông dân trồng hồ tiêu phải chật vật khi sâu bệnh tàn phá. Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, hiện nay ở tỉnh này gần 125 ha tiêu đang mắc bệnh chết chậm, chết nhanh, trong đó, 105 ha tiêu trong giai đoạn thu hoạch bị bệnh chết chậm và 20 ha tiêu bị bệnh chết nhanh. Hầu hết diện tích tiêu bị bệnh tập trung tại huyện Tây Hòa, vùng trồng tiêu lớn nhất tỉnh Phú Yên.
Ngoài ra, tại các huyện như Đức Linh, tỉnh Bình Thuận; Đồng Nai, Bình Phước và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay hồ tiêu cũng đang chết hàng loạt do sâu bệnh.
Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng yêu cầu người dân sớm triển khai phòng bệnh cho cây, nếu cây đã bị bệnh trên 50% lá rụng thì thu gom, tiêu hủy cây bệnh hoặc cây chết, vệ sinh vườn; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học tối thiểu 30 ngày trước khi trồng lại.
Theo HỒNG TRÂM - Báo Mới