Ông Nguyễn Nam Hải-Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Những năm gần đây, giá tiêu luôn trong đà đi xuống, đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá tiêu chỉ xung quanh mức khoảng 42.000-45.000 đồng/kg. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá tiêu thấp tới mức dưới giá thành như vậy?
Thực tế là do cung và cầu. Trong khi cung về diện tích, năng suất, sản lượng của cả Việt Nam và thế giới tăng cao trong những năm gần đây thì nhu cầu hồ tiêu chỉ tăng ở mức độ 2-2,5%/năm.
Cụ thể, năm 2013, 2014 là năm giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg. Khi giá tiêu lên đến đỉnh điểm như vậy, người nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao.
Tại Việt Nam, năm 2013, diện tích trồng tiêu chỉ trên 53.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến năm 2018, diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, tăng 3 lần so với năm 2013. Ngoài Việt Nam, diện tích tiêu ở các nước khác như Brazil, Campuchia… cũng tăng lên. Gộp lại, cung hồ tiêu thế giới cao hơn cầu nên giá tiêu sẽ thấp.
Tồn kho hồ tiêu thế giới qua các năm đã góp phần làm cho việc tiêu mất giá thêm trầm trọng, thưa ông?
Đúng như vậy. Trong khi nguồn cung đã cao, cộng tồn kho hồ tiêu từ năm này qua năm khác lại càng khiến cung nhiều hơn cầu. Giá hồ tiêu hiện nay trên dưới 45.000/kg. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành. Giá thành của người nông dân hiện nay trên dưới 50.000 đồng/kg.
Thời gian qua, tình trạng bệnh trên cây tiêu khiến tiêu chết hàng loạt hoành hành tại không ít địa phương. Xin ông cho biết, điều này có tác động tới diện tích trồng tiêu ở Việt Nam thời gian tới, từ đó gián tiếp tác động đến nguồn cung tiêu tại Việt Nam không?
Diện tích hồ tiêu bị chết có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trước đây, khi giá cao, những diện tích không đủ điều kiện trồng hồ tiêu mà người dân vẫn trồng. Các diện tích này không đủ điều kiện để cây tiêu phát triển, dẫn tới sâu bệnh. Ngoài ra, do giá tiêu quá thấp nên việc đầu tư của người nông dân cho cây tiêu trong tất cả các khâu như chăm sóc, thu hoạch giảm đi nhiều… Tuy nhiên, tiêu bệnh, chết hàng loạt cũng chỉ ở phạm vi từng huyện, từng địa phương. Diện tích nhìn chung không quá nhiều để dẫn tới tác động tới nguồn cung hồ tiêu.
Ông dự báo khi nào đà lao dốc của giá tiêu sẽ chững lại?
Trước mắt, giá tiêu muốn phục hồi trong thời gian ngắn khá khó khăn. Trong năm 2019, giá tiêu chắc chắn không thể tăng cao như thời gian trước đây. Hiện nay, nguồn cung dư quá nhiều, phải 1-2 niên vụ nữa giá tiêu mới có khả năng phục hồi.
Nhiều quan điểm cho rằng, để có thể chủ động hơn, phát triển ổn định ngành chế biến, XK hồ tiêu, rất cần sớm hình thành một sàn giao dịch hồ tiêu. Quan điểm của ông như thế nào?
Hình thành sàn giao dịch hồ tiêu là điều rất tốt, song đến nay vẫn đang trong vòng nghiên cứu. Về mặt chính sách, nhà nước khá tạo điều kiện. Một số bộ, ngành cũng đang tập trung nghiên cứu vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay sàn giao dịch tiêu chưa được triển khai thực tế ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, đâu là giải pháp căn cơ, hiệu quả giúp ngành tiêu Việt từng bước thoát khó, hướng tới sự phát triển vững bền hơn, thưa ông?
Trước sự phát triển nóng như hiện nay cần tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, vấn đề mấu chốt đầu tiên là giảm diện tích. Những diện tích trước đây không đủ điều kiện trồng tiêu mà người nông dân vẫn phát triển dẫn đến sâu bệnh, năng suất thấp nên chuyển đổi trồng những cây khác hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, giải pháp còn là phải có sự liên kết giữa DN và người nông dân tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.
Ngoài ra, hiện nay hồ tiêu chủ yếu XK thô, tỷ lệ tiêu trắng, tiêu nghiền quá thấp so với nguyên liệu xuất thô. Còn nhiều thứ để chế biến từ hồ tiêu mà Việt Nam chưa đẩy mạnh được, ví dụ như trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu là hồ tiêu… Bởi vậy, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá tiêu cao hơn. Đó mới là cách để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): XK tiêu 2 tháng đầu năm đạt 31 nghìn tấn và 92 triệu USD, tăng 4,3% về khối lượng nhưng giảm 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 2.943 USD/tấn, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường hạt tiêu trong nước biến động giảm trong tháng 2. So với tháng trước, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Đồng Nai giảm 2.000 đ/kg xuống còn 43.000 – 44.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đ/kg xuống còn 45.000 đ/kg. Giá tiêu vẫn đang trong xu hướng giảm là do ảnh hưởng từ số lượng lớn hạt tiêu tồn kho toàn cầu. Trong tháng tới, giá tiêu được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm xuống và nhiều khả năng xuống tới mức chỉ còn khoảng 40.000 đ/kg, do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu đang tiếp tục được bổ sung khi mà Việt Nam và Ấn Độ, 2 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn, đang trong mùa thu hoạch mới.