Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến
Bảng giá phân bón
Thống kê truy cập
Đang truy cập 1
Tổng truy cập 280925
Liên kết website:
Fanpage facebook
Tin tức
Trước khi đưa ra những nhận định về thị trường phân bón tháng 4 và Quý II/2022, Vinacam xin điểm qua nguyên nhân chính đã đẩy giá phân bón nói riêng và các mặt hàng khác như dầu thô, khí đốt, lương thực,... tăng phi mã thời gian gần đây - đó là chiến sự Nga - Ukraine
Tình hình chiến sự tại Nga - Ukraine là nguyên nhân chính đẩy giá phân bón nói riêng và các mặt hàng như dầu khí, lương thực... tăng phi mã trong thời gian gần đây
Tình hình chiến sự tại Ukraine do Nga phát động từ 24/2/2022 đã trở nên khốc liệt hơn (và) giờ đây, dường như nó đã là cuộc chiến ủy nhiệm của Nato thông qua Ukraine để kéo sập nền kinh tế Nga, loại Nga khỏi vai trò đối trọng với Mỹ, cũng như các nước thuộc khối Nato và Liên Âu. Rõ ràng tổng thống Putin đã không có kịch bản cho cuộc chiến kéo dài và không lường hết được phản ứng cấm vận quyết liệt của Mỹ cùng các nước đồng minh.
Còn nhớ, chỉ 3 ngày sau 24/2/2022 trước nguy cơ thủ đô Kiev thất thủ, tổng thống Ukraine với gương mặt thất thần đã lập tức công khai tuyên bố ý định trung lập và từ bỏ ý muốn gia nhập Nato. Các cuộc đàm phán đã gần như tức thời được đưa ra với nhiều nhượng bộ (thậm chí) cả về vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nay trở nên xấu hơn khi Liên minh Châu Âu đẩy nhanh tiến trình gia nhập của Ukraine. Các nước thuộc Nato, Liên Âu và thân cận Mỹ ra sức tiếp vận vũ khí để Ukraine kháng cự, có lẽ cả Tổng thống Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky đều đang có ý định chơi “tất tay” cho cuộc chiến cuối cùng tại Donbass? Chắc chắn, một hiệp định hòa bình sẽ chỉ được ký khi trận chiến cuối cùng này được ngã ngũ. Nếu Nga phải lui binh vì kháng cự kiên cường của Ukraine thì Nga sẽ mất tất cả, ngược lại khi Nga mở rộng được biên giới Donetsk và Lugansk theo yêu cầu của các Nước Cộng Hòa tự xưng - Ukraine sẽ phải nhượng bộ và cay đắng ký vào bản hiệp ước có lợi cho Nga.
Đối với nước Nga, sau khi rơi tới 40% giá trị, đồng Rúp Nga bất ngờ bật tăng trên cả mức trước khi xảy ra xung đột. Là nhà sản xuất lớn về dầu khí, lương thực và khoáng sản trong đó dầu khí và phân bón là hai quân bài chủ lực, Nga bắt đầu gây sức ép tới các người mua là các quốc gia không thân thiện với Nga phải thanh toán bằng đồng Rúp. Phương Tây không ngừng đưa ra những lệnh cấm vận mới với Nga, nhưng vị thế của Mỹ và Châu Âu là rất khác nhau. Trong khi Mỹ có thể tự chủ được nguồn cung năng lượng, lương thực, khoáng sản thì Châu Âu lại lệ thuộc hơn 50% vào Nga và Ukraine. Vì vậy, nội bộ Liên minh Châu Âu bắt đầu mâu thuẫn khi khả năng thay thế nguồn cung từ Nga và Ukraine là rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhằm vô hiệu một phần cấm vận, Nga tích cực hướng tới các đối tác lớn như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc, vốn quan tâm nhiều hơn về lợi ích kinh tế cho quốc gia họ. Nga cũng tìm ra cách để xuất khẩu đến nhiều quốc gia, thậm chí là Mỹ bằng nhiều hình thức ví dụ như chấp nhận chào giá CIF (người bán chi trả bảo hiểm), chấp nhận thanh toán bằng TT hoặc qua hệ thống tin nhắn ngân hàng của Nga hoặc Trung Quốc. Mức giá chiết khấu lên đến 20% đối với dầu thô là quá hấp dẫn để người mua chấp nhận đánh cược.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, cuộc chiến ngày càng khốc liệt tại Ukraine đang đẩy thế giới đến bờ vực của khủng hoảng thực phẩm, Nga và Ukraine sản xuất đến 6% tổng số ngũ cốc được trồng trên toàn cầu. Đây cũng là hai quốc gia xuất khẩu đến 16% các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô, yến mạch và lúa mạch. Ukraine cũng sản xuất 50% nguồn cung dầu hướng dương toàn của thế giới.
Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vốn rất nhạy cảm về vấn đề lương thực, tiếp tục gia tăng việc thu mua lương thực vào các kho dự trữ chiến lược. Các quốc gia khác tiếp tục đưa ra chính sách cấm hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu lương thực, phân bón, dầu ăn như Ai Cập, Indonesia, Trung Quốc…
Trong khi đó, việc gia tăng sản lượng lương thực không thể thực hiện được trong vài tháng.
Chúng ta bắt đầu thấy những kệ hàng trống trơn tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc; nạn đói bắt đầu lan rộng tại Châu Phi. Thế giới đã, đang và sẽ đối mặt với sự khủng hoảng thực phẩm ngày càng nghiêm trọng hơn với mức giá nhảy múa hàng ngày. Bên cạnh đó, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng nghiêm trọng khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero covid. Ngày 28/3, Trung Quốc tiến hành phong tỏa Thượng Hải làm 2 phần tiếp đến 5/4/2022 là phong tỏa toàn bộ và chưa ấn định ngày kết thúc, sau khi phát hiện ca nhiễm covid mới tại đây. Cảng Thượng Hải, vốn đảm nhiệm 20% giao thương đường biển của quốc tế sẽ tiếp tục bị ùn tắc khi số lượng công nhân và lái xe rất hạn chế.
Với tình hình trên, để ổn định giá phân bón trong nước, Trung Quốc đã đưa ra thị trường nội địa 3 triệu tấn phân bón. Các nhà máy sản xuất phân bón nội địa cũng chỉ chạy cầm chừng 50% sản lượng. Thêm vào đó là nguy cơ thiếu lương thực ngay cả với Thượng Hải sẽ khiến Trung Quốc khó có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón trước thời hạn 30/6/2022. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho rằng, Trung Quốc có thể gia hạn tới hết năm 2022. Hiện nay, Trung Quốc đã tăng thời gian làm thủ tục thông quan lên 90 ngày thay cho 45 ngày trước đây.
Cho dù ngay ngày mai hay tuần tới, một hiệp định hòa bình giữa Nga và Ukraine được ký kết, quốc tế dỡ bỏ dần cấm vận thì việc kết nối sản xuất, giao thương toàn cầu cũng không thể một sớm một chiều khôi phục lại như thời điểm cũ. Chắc chắn khủng hoảng lương thực, năng lượng, phân bón,... vẫn là hiện hữu và các quốc gia sẽ khó có biện pháp khắc phục thậm chí cho đến hết năm 2022. Nhận định của Vinacam |
ĐỐI VỚI PHÂN URÊ
Hầu hết các nhà sản xuất lớn ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng giao tháng 4 tới nửa đầu tháng 5. Pupuk Kaltim (Indonesia) tuần qua đã tổ chức thầu bán 90.000 tấn hạt trong và hạt đục giao tháng 5-6, thầu đã bị hủy do mức giá cao nhất chỉ 890 FOB, nghe đồn có một đơn hàng được chấp nhận theo mức 945 FOB nhưng dường như đây là thông tin hỏa mù của người bán. Chúng tôi nghe nói Pupuk có thể còn một lô hàng 45.000 tấn hạt đục nữa. Petronas (Malaysia) hiện chỉ còn giao hàng theo giá công thức cho các người mua truyền thống giao cuối tháng 5-6. BFI (Brunei) chưa thực sự giải quyết được các rắc rối pháp lý với các người mua sau sự cố tháng trước. Ấn Độ đã nhận đủ 1.5tr tấn Ure (0.5 triệu tấn từ Nga). Mặc dù vụ mùa Kharif tới rất gần nhưng với lượng mưa khá kém, Ấn Độ có vẻ sẽ có nhiều thời gian để đặt cược vào việc thị trường sắp tới có hạ nhiệt hay không.
Sau thhơi gian sôi động từ cuối tháng 3, thị trường Urê cũng bắt đầu bớt nhiệt và hầu hết các nhà nhập khẩu cũng đã chuẩn bị đủ cho vụ Đông Xuân
Mùa mưa đến chậm, khiến nhu cầu tại khu vực Đông Nam Á đang chùng lại. Các người mua có vẻ không sẵn lòng trả mức giá cao hơn 850 FOB cho những lô hàng mới. Mặt bằng giá chung cũng có sự điều chỉnh khi một số nhà nhập khẩu chịu áp lực từ ngân hàng nên chấp nhận bán rẻ.
Tại Việt Nam, sau một thời gian sôi động từ cuối tháng 3, thị trường phân bón Urê cũng bắt đầu bớt nhiệt và hầu hết các nhà nhập khẩu cũng đã chuẩn bị đủ hàng cho đầu vụ Đông Xuân.
Trước tình hình giá thế giới đang ở mức cao hơn nội địa, các nhà máy sản xuất Urê và Thương nhân đang tranh thủ xuất khẩu từ nguồn sản xuất, nguồn nhập khẩu hoặc mua gom trong nước. Nói chung, như nhận định tại bản tin của Vinacam ngày 4/3/2022, giá Urê Việt Nam sau khi tăng đến 18.500/kg thì đã chững lại ở mức 17.500/kg, khá hấp dẫn để xuất khẩu khi thị trường trong nước thấp điểm, không có sức mua.
Nhìn chung giá Urê đang trong xu hướng điều chỉnh sau một đợt tăng nóng gần gấp đôi từ 550FOB ĐNÁ trong vòng 4 tuần. Vinacam nghĩ rằng với những tín hiệu tích cực từ đàm phán về hạt nhân Iran, nguồn cung sẽ được cải thiện và nhiều khả năng mức giá thế giới cho tháng 5 sẽ ở mức khoảng 800-850 FOB, riêng Urê đục ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng khi hoạt động xuất khẩu đang diễn ra rất sôi động và mùa vụ tại phía Nam sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 5 khi mùa mưa đến.
DAP: Giá DAP thế giới đi ngang. Người mua chấp nhận giá 1050-1080 FOB
Sau một đợt tăng giá mạnh, giá DAP thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong tuần này. Pakistan mua 2 tàu từ Ả Rập giá 1025 CFR cao hơn $80 so với gia dịch trước đó. Ấn Độ tiếp tục chờ đợi, còn Trung Quốc thì neo giá 1050-1080 FOB. Brazil tiếp tục là điểm sáng khi vững giá 1300 CFR.
Chúng tôi ghi nhận một số bản chào về Việt Nam với mức giá 1150-1200 CFR cho cửa khẩu Lào Cai (tương đương giá vốn tầm trên dưới 30 triệu đồng/tấn tại Hồ Chí Minh). Với mức giá này, sẽ khá rủi ro để các thương nhân nhập khẩu Việt Nam có thể cân nhắc mua hàng.
Thị trường phân bón DAP mặc dù được điều chỉnh đi ngang sau một thời gian tăng mạnh song thị trường sẽ sớm tắng giá trở lại khi nguồn hàng tồn kho đã hết
Ngoại trừ Vinacam đã chuẩn bị hàng DAP từ đầu năm, chúng tôi không thấy sự tích cực từ các nhà nhập khẩu khác. Nguồn cung từ các nhà sản xuất nội địa lại càng eo hẹp hơn khi vấn đề nguồn nguyên liệu chưa được giải quyết triệt để, trong khi phần lớn lượng hàng sản xuất ra lại ưu tiên cho thị trường xuất khẩu. Đơn cử như DAP Đình Vũ (theo thông tin chưa được kiểm chứng) thì Quý I chỉ sản xuất được khoảng 50.000 tấn nhưng dường như đã dành tới 40.000 tấn để xuất khẩu. Chúng tôi được biết Đình Vũ đang tích cực làm việc với Tập đoàn Hóa chất xin phê duyệt tăng giá mua đã phosphate để phù hợp với giá thị trường, nếu thành công, có thể nâng công suất lên 70.000 tấn mỗi quý.
Thị trường nội địa đang giao dịch hàng DAP 64 nhập khẩu ở mức 26-27.000đ/kg và Đình Vũ mới có văn bản tăng giá từ 21-22.000đ/kg lên 22-23.000đ/kg cho hàng DAP 60 nhưng nguồn cung là hạn chế. DAP Lào Cai cũng không thể ra hàng đều đặn vì ngoài các vấn đề về nguyên liệu đầu vào, bãi thải gypsum đã đầy ứ vượt ngoài công suất thiết kế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Nga có thể sẽ gia hạn việc cấp hạn ngạch xuất khẩu cho tới cuối năm thay vì tháng 5, tuy nhiên hiện vẫn cấm xuất khẩu phân bón tới các quốc gia không thân thiện. Trung Đông vẫn gặp vấn đề thiếu amonia, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt giảm công suất, nhiều nhà máy chạy thấp hơn 50%, để đảm bảo vấn đề môi trường và vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng cao vượt ngưỡng.
Như vậy, nguồn cung thế giới khó lòng tăng lên khi Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu sẽ áp đặt những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đều tăng mạnh, nhất là lưu huỳnh và ammonia, càng khiến cho các nhà sản xuất không có áp lực phải giảm giá nhiều.
Thị trường Việt Nam mặc dù có điều chỉnh đi ngang sau một đợt tăng mạnh. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá thị trường sẽ sớm tăng giá trở lại khi nguồn hàng tồn kho giá rẻ đã hết, cộng với việc xuất khẩu ồ ạt và vụ mùa đang đến gần. Dự kiến giá DAP 64 nhập khẩu sẽ leo lên mức 28 - 30.000.000 đ/tấn trong quý III/2022.
MOP: Giá tăng. Không nhượng bộ khi đàm phán giá
Người mua đang cố gắng mua hết những gì có thể, khi các nhà sản xuất thông báo mức giá giao tháng 5 tăng vọt lên 950-1000 CFR cho smop và 1200 CFR Kali miểng. Hiện sức mạnh nằm trong tay nhà sản xuất nên hầu như không có không gian để mặc cả.
Hiện nhiều nhà nhập khẩu đang cố gắng mua kali trong khi các nhà sản xuất thông báo giá tăng vọt trong tháng 5
Sức mạnh nằm trong tay các nhà sản xuất kali nên hầu như không có không gian để mặc cả.
Đông Nam Á đã chấp nhận mức giá 950 CFR cho Kali bột
Pupuk công bố thầu mua Kali bột giá 950 CFR cho 200.000 tấn giao hàng tới tháng 6.
Thái Lan tuần rồi đã xác nhận 15.000 tấn Kali miểng theo mức giá 1.000 USD/tấn. Trung Quốc đang gặp khó khăn trong vấn đề nhận hàng khi trước đây hầu hết Kali được vận chuyển qua đường biển. Chúng tôi ước tính rằng Trung Quốc cần 10 triệu tấn Kali/năm trong khi đường sắt từ Nga tới Trung Quốc chỉ có thể vận chuyển được tầm 3 triệu tấn hàng hoá. Con số này khó lòng tăng thêm khi hệ thống đường ray 2 bên khác nhau nên phải đổi bánh xe lửa tại biên giới.
Brazil tiếp tục dẫn đầu khi giá vững ở mức 1150-1200 CFR, các offer mới 1250 CFR Kali miểng.
Giá chào mới về VN đã đạt mức 950 CFR Kali bột và 1000CFR Kali miểng. Các nhà sản xuất khẳng định rằng giá sẽ lên 1100 CFR Kali bột và 1300 CFR Kali miểng trong tháng 6.
Riêng Việt Nam vẫn rất chần chừ do giá mới cao hơn giá trong nước nên thay vì nhập khẩu, các Thương nhân có lượng tồn kho Kali lớn đang tích cực xuất đi theo mức giá 850 - 900 USD FOB (cao hơn giá bán lẻ hiện tại 1.300.000 - 2.400.000 đ/tấn).
Vấn đề là khi nguồn hàng tồn kho trong nước cạn dần, Việt Nam sẽ bắt buộc phải nhập khẩu theo giá mới thì giá Kali trong nước sẽ lên tới đâu? Theo Vinacam, đến Quý III giá sẽ cán đích 20 - 22 triệu đồng/tấn cho Kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho Kali miểng.
NPK:
Nguồn nhập NPK Nga đã bị chặn, nhập khẩu từ Trung Quốc thì ách tắc vì hàng rào kỹ thuật từ kiểm hóa hải quan. Điểm sáng trước nay cho dòng NPK nhập khẩu từ Hàn Quốc đã mới có thông báo chính thức “chỉ có thể sản xuất NP vì nguồn Kali cạn kiệt”. Cùng với việc một loạt nhà máy sản xuất NPK quy mô nhỏ tạm đóng cửa do giá nguyên liệu cao, sản xuất không có lời thì giá NPK sản xuất trong nước bây giờ thực sự nằm trong tay các “ông Lớn” có tiềm lực mạnh như Bình Điền, Phú Mỹ và Cà Mau... Với tình hình này việc bán gối đầu cho các đại lý từ vụ tới chắc chắn sẽ bị siết lại. Đây cũng là cơ hội béo bở cho hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lên ngôi!
Nguồn - Copy: nongdan.com.vn
Các bài viết khác
- THÔNG BÁO NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 02-09-2024 (August 17, 2024 at 03:16 pm)
- THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN - GIÁP THÌN - 2024 (January 27, 2024 at 02:46 pm)
- THÔNG BÁO NGHỈ TẾT DƯƠNG LỊCH 2024 (December 28, 2023 at 04:00 pm)
- Giá phân bón tăng mạnh sau lệnh dừng xuất của Trung Quốc (September 26, 2023 at 03:10 pm)
- LỊCH NGHỈ LỄ - QUỐC KHÁNH 2/9 (August 30, 2023 at 05:17 pm)
- Giá cà phê ngày 31/5: Giá cà phê trong nước ở mức 61.100 đồng/kg (May 31, 2023 at 09:04 am)